Bánh kẹo, đồ ăn vặt, nước ngọt đều là những thứ có sức hấp dẫn diệu kỳ với trẻ em. Tuy nhiên chúng lại là thủ phạm chính gây sâu răng trẻ em.
Tác hại của sâu răng ở trẻ em
Trẻ em có bộ răng sữa gồm 20 cái. Trong đó một số răng sẽ được thay thế trong khoảng từ 6-12 tuổi. Tuy nhiên những răng hàm lớn bên trong sẽ tồn tại vĩnh viễn và không thể tự thay đổi được. Vì thế nếu trẻ bị sâu răng hàm lớn sẽ phải chịu hậu quả nặng nề, khó điều trị.
Một số hậu quả của sâu răng ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ nhỏ:
- Tình trạng đau buốt là điển hình của bệnh sâu răng. Những lỗ sâu răng tạo điều kiện cho thức ăn, vi khuẩn xâm nhập vùng tủy, gây tình trạng viêm nhiễm. Tủy răng bị viêm sẽ làm gia tăng hoạt động của máu lưu thông, làm tăng áp lực bên trong tủy và gây đau dữ dội.
- Bên cạnh đó tình trạng sâu răng kéo dài có thể dẫn đến viêm hạch, viêm tủy xương, viêm mô tế bào. Điều này làm cản trở quá trình mọc răng mới của trẻ. Bởi sự tồn tại của răng sữa sẽ giúp các mầm răng vĩnh viễn nằm sâu bên trong lợi hình thành một cách cân đối. Nếu răng sữa bị tổn hại và phải nhổ đi thì răng vĩnh viễn sẽ rất khó mọc lên, thường mọc chèn lên các răng khác.
- Không chỉ gây đau đớn, sâu răng còn ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của trẻ. Hầu như các bé bị sâu răng đặc biệt là răng cửa thường cảm thấy, xấu hổ, tự ti. Điều này tác động xấu tới việc hình thành tính cách của trẻ sau này.
Nguyên nhân gây bệnh sâu răng ở trẻ nhỏ
Trẻ em khi ở độ tuổi còn nhỏ chưa có kiến thức bảo vệ sức khỏe. Hơn nữa đồ ăn ngọt luôn là sở thích, sự lựa chọn hàng đầu của trẻ. Những loại đồ ăn này sau khi tiếp xúc với nước bọt trong miệng sẽ tạo ra axit phá hoại lớp men bảo vệ răng. Lâu dần các lỗ mòn li ti màu đen xuất hiện và phát triển thành những lỗ hổng lớn trên răng.
Một số hành động đẩy nhanh nguy cơ sâu răng ở trẻ:
- Hầu hết bố mẹ đều chiều chuộng cho các bé được thoải mái ăn theo sở thích. Trong khi đó răng sữa của bé thường rất yếu, dễ bị sâu. Việc ăn quá nhiều đồ ngọt trong ngày không chỉ có hại cho răng mà còn gây ra nhiều căn bệnh khác.
- Lười đánh răng. Răng rất cần làm sạch sau khi ăn uống để loại bỏ những vết bám. Tuy nhiên trẻ em thường hiếu động, mải chơi. Nếu bố mẹ quên không nhắc trẻ sẽ mau chóng bỏ qua việc vệ sinh răng miệng.
- Đánh răng không đúng cách. Khi không có sự sát xao của cha mẹ, nhiều bé chỉ đánh qua loa cho xong mà không cần biết đã sạch hay chưa. Điều này không những không thể ngăn chặn sâu răng mà lâu dài còn gây ra viêm nhiễm nặng.
Điều trị bệnh sâu răng cho trẻ
Sâu răng là căn bệnh hình thành sau cả quá trình dài duy trì những thói quen xấu. Thêm vào đó bệnh sâu răng không thể tự khỏi mà ngày càng tiến triển nặng hơn.
Một số phương pháp mà các nha sĩ hay dùng để điều trị răng sâu ở trẻ:
- Nếu các lỗ sâu còn nhỏ, các bác sĩ sẽ thực hiện biện pháp trám răng để bít lại. Đồ ăn, vi khuẩn sẽ không thể tiếp tục xâm nhập, phá hủy răng được nữa.
- Nếu răng đã bị tàn phá nặng nề các bác sĩ sẽ cân nhắc việc nhổ bỏ chiếc răng sâu. Đây là phương án lựa chọn cuối cùng để các bé không phải chịu những cơn đau buốt kéo dài.
Những mẹo dân gian truyền tai chỉ có tác dụng làm giảm các triệu chứng đau răng tạm thời. Để điều trị tận gốc sâu răng cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở nha khoa uy tín.