Huyết áp dao động theo mùa và có xu hướng giảm khi nhiệt độ tăng cao. Tuy nhiên những người cao huyết áp tuyệt đối không nên vì vậy mà chủ quan trong những ngày nắng nóng.
Nhiệt độ tăng và những hệ lụy không ngờ tới căn bệnh huyết áp cao
Nhiều người cho rằng chỉ có thời tiết lạnh mới gây nguy hiểm đến bệnh huyết áp cao. Quan điểm đó tuy đúng nhưng vẫn chưa đủ. Bởi nhiệt độ quá lạnh hay quá nóng đều gây nguy hại tới sức khỏe của người cao huyết áp.
- Khi nhiệt độ giảm thấp, các mạch máu trong cơ thể co lại làm cho huyết áp đột ngột tăng cao. Theo đó người bệnh dễ gặp phải các biến chứng nguy hiểm: tai biến mạch máu não, đột quỵ.
- Ngược lại khi thời tiết nắng nóng các mạch máu giãn ra làm giảm huyết áp xuống thấp hơn mức bình thường.
Đừng vội vui mừng. Bởi khi nhiệt độ tăng cao cơ thể sẽ phải tiết ra lượng lớn mồ hôi làm mất nước và muối trong mạch máu khiến nồng độ máu giảm, độ kết dính trong máu tăng cao, dễ hình thành nên các cục máu đông.
Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những người vốn có tiền sử cao huyết áp. Do mạch máu của những đối tượng này vốn đã hẹp và dễ tổn thương hơn so với người bình thường. Các cục máu đông có thể làm tăng nguy cơ tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu gây đột quỵ, thậm chí tử vong.
Thêm vào đó nhiều người vẫn giữ nguyên liều lượng, loại thuốc hạ huyết áp mùa hè giống hệt mùa đông. Hậu quả khiến huyết áp tụt xuống quá thấp, xảy ra triệu chứng hoa mắt chóng mặt, nặng hơn có thể bị ngất.
Tuy nhiên người bệnh cũng không nên vì vậy mà tự ý dừng uống thuốc, thay đổi loại thuốc khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ. Bởi diễn biến của bệnh cao huyết áp là rất phức tạp nếu không có sự can thiệp của thuốc men sẽ gây ra nhiều biến chứng khó lường.
Biện pháp ổn định huyết áp trong thời tiết nắng nóng
- Nguyên tắc quan trọng nhất trong việc kiểm soát huyết áp đó là phải sử dụng thuốc đều đặn theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không chủ quan khi thấy huyết áp giảm trong trời nắng nóng và vẫn giữ thói quen đi khám định kỳ để theo dõi, điều trị kịp thời.
- Đừng quên bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể. Ngay cả khi không cảm thấy khát, những bệnh nhân cao huyết áp vẫn cần uống nước đều đặn. Việc uống nước thường xuyên sẽ giúp làm giảm độ kết dính trong máu, tăng cường trao đổi chất.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ lượng chất đạm, chất bột, chất béo, chất xơ trong bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt kiêng đồ ăn quá mặn, quá ngọt, quá béo.
- Vận động, tập luyện thể dục đều đặn để tăng cường độ co dãn, đàn hồi tốt cho mạch máu. Người cao huyết áp cần siêng luyện tập mỗi ngày kể cả trong thời tiết nóng để mạch máu luôn khỏe mạnh.
- Ngoài trời nắng nóng nhưng không nên để điều hòa quá thấp. Bởi sự chênh lệnh giữa nhiệt độ bên ngoài và nhiệt độ trong phòng sẽ làm huyết áp tăng giảm đột ngột dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Điều trị cao huyết áp khi đến bệnh viện:
Để chẩn đoán chính xác bệnh cao huyết áp thực hiện nhiều biện pháp:
- Đầu tiên bác sĩ sẽ tìm hiểu tiền sử gia đình, khám lâm sàng để xác định nguy cơ mắc bệnh của người khám.
- Tiếp đến người khám sẽ được đo huyết áp bằng máy chuyên dụng. Chỉ số trên máy cao hơn 140/90 mmHG là dấu hiệu chắc chắn của bệnh cao huyết áp.
- Bước chẩn đoán cuối cùng là làm xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân thứ phát gây tăng huyết áp. Các xét nghiệm bao gồm:
- Chụp X-quang ngực
- Chụp cắt lớp điện toán
- Điện tâm đò
- Xét nghiệm nước tiểu
Sau khi xác định tình trạng, nguyên nhân gây bệnh các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị riêng cho từng bệnh nhân. Mục đích chính là để giữ huyết áp của người bệnh luôn ổn định ở mức dưới 130/80 mmHg.
Theo đó bệnh nhân cần:
- Thay đổi lối sống lành mạnh và theo dõi huyết áp thường xuyên
- Sử dụng thuốc hạ huyết áp: thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế Beta, thuốc ức chế hấp thụ canxi, chất ức chế men chuyển ACE, thuốc giãn mạch. Tùy thuộc vào mức độ bệnh các bác sĩ sẽ kê loại thuốc, liều lượng phù hợp.